10 Tiêu điểm

Cứ đến tết âm lịch nhiều người kêu chán

LÀM THẾ NÀO ĐỂ KHÔNG BỊ ÁP LỰC DO TẾT?
Những ai bị áp lực về tết hầu như là do không đủ bản lĩnh để vượt qua sự dè bỉu chê bai, dòm ngó của người đời. Cũng không đủ bản lĩnh để bỏ qua những hủ tục lạc hậu hoặc rườm rà, hình thức của cái gọi là truyền thống. Hoặc không đủ bản lĩnh để không quá tin vào tâm linh, không vượt qua được nỗi sợ mơ hồ của những điều kiêng kị. Và cuối cùng là không đủ bản lĩnh vượt lên trên tính sĩ diện của bản thân. 
Điều quan trọng nhất để vượt qua tất cả những cái trên đó là ngồi xổm lên dư luận và đừng có sĩ diện hão.
Địa phương nào càng trọng truyền thống thì sẽ càng bảo thủ, trì trệ và thích duy trì hủ tục. Ngược lại, ở đâu có tư tưởng thoáng, cấp tiến, thì dễ dàng thoát khỏi hủ tục và đơn giản hóa các lễ nghi rườm rà. SG có lẽ thoáng nhất, còn các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ là bảo thủ nhất, đặc biệt là ở vùng nông thôn xa đô thị. 
Nhà mình lâu nay chỉ duy trì những nghi lễ mang tính đạo đức, ân nghĩa, trách nhiệm. Kiểu như chúc tết bề trên ruột thịt, sửa mộ, thắp hương tổ tiên vào dịp tết. 
Còn những nghi lễ chỉ thuần truyền thống như 1 thói quen thì hầu như đều đơn giản hóa. Ví dụ ông Công ông Táo, hay lì xì người không quen thân, làm lễ cúng giao thừa, mồng 1, xông đất, kiêng kị ngày tết…đều rất tương đối. 
Ví dụ mừng tuổi bố mẹ ông bà, lì xì con cháu ruột thịt là trách nhiệm, còn xã giao thì thôi hoặc với số tiền tượng trưng cỡ 50ng thôi, đừng có sĩ diện mà tốn tiền vớ vẩn. Còn các thủ tục lễ nghi kia lâu nay nhà mình không có điều kiện làm, vì đều ăn tết xa nhà, xa quê, chỗ không có bàn thờ. Mà đã xa nhà rồi thì mua sắm tết làm gì lắm thức ăn, bánh trái, hoa hoét? Chỉ vừa đủ cơ bản thôi. 
Chúc tết là hành vi rất chi là sáo rỗng và giả tạo, mà cứ phải hót theo văn mẫu. Theo mình thì cứ như Tây, chúc mừng năm mới là được.
Có cái lạ nữa là vụ sắm tết, tại sao phải mua sắm quần áo, đồ đạc vào dịp tết? Lúc nào cần thì mua chứ mua vào tết làm gì? Tự dưng lại thêm 1 áp lực tiêu tiền không đúng lúc. 
Bố mẹ mình mất sớm nên nhà mình không có cơ hội về quê với bố mẹ, chỉ có anh em về với nhau ở 1 nơi xa. Đó là đúng truyền thống tết sum vầy rồi đó, nhưng không nhất thiết là sum vầy ở nhà mình. Nhiều người, nhất là con trai trưởng, tết không dám đi đâu, chỉ vì phải ở nhà chờ cúng xong mồng 1! Nhà mình thì đã từng đón giao thừa trên máy bay, do bị delay. Năm nay nhà mình cũng sẽ đón giao thừa ở xa nhà.
Tết là để chơi, không phải để ăn, để làm và để mua sắm.
P/S 1:
Ý kiến trái chiều với quan điểm của mình chắc phần đông cho thế là ích kỷ, không nghĩ tới bố mẹ già, cô đơn, ăn tết quạnh hiu. Hoặc không nghĩ tới tổ tiên ông bà khi không cúng lễ đầy đủ. 
Cái này là quan điểm của mỗi người thôi. Mình cho là sum vầy không nhất thiết phải đúng tết. Ví dụ bạn định cư ở nước ngoài. Bạn cố gắng về thăm bố mẹ, đâu nhất thiết phải vào đúng tết. Với xã hội hiện đại thì chuyện bố mẹ già ở với nhau, con cái bay nhảy là bình thường và đúng quy luật phát triển. Các loài động vật đều chỉ nuôi con đến khi trưởng thành là đuổi con đi tự lo mà kiếm ăn. Bố mẹ già tự lo thân mình. Nếu gia đình nào con cháu không đi làm xa thì mình cũng không phản đối, nhưng gia đình khác con cháu lập nghiệp nơi xa không phải là điều bất hạnh cho bố mẹ đâu. Con cái không có sự nghiệp tốt, không thành người tử tế mới là điều bất hạnh. 
Nhà mình thì xác định sẵn là con cái sau này lớn muốn đi làm ăn ở đâu thì đi. Bố mẹ không ngăn cản. Tết có điều kiện thì về, không thì dịp khác cũng chả sao cả. Tuyệt đối không gây áp lực cản trở sự phát triển và tự do cá nhân của con. 
Có thể vì mình xác định suy nghĩ khác người thì đơn độc từ nhỏ nên không sợ sự cô đơn. Chứ đa số đến suy nghĩ còn chả dám khác thì sao dám làm khác. Chỉ vì sợ bị chê. 
Mình tự làm được thì sao phải dựa vào con cái? Mà mình không hề thấy sống xa con là sự cô đơn, bất hạnh. Người thấy cô đơn là người không tự tìm được những thú vui cá nhân, mà mình lại quá nhiều thứ để có niềm vui cá nhân thay vì cứ phải có con cháu bên cạnh!
Tương lai Việt Nam phải xây nhiều nhà dưỡng lão mới đúng. Bây giờ ít quá, cũng là do tâm lý bố mẹ phải ở chung/gần con cháu. Rồi con cháu để bố mẹ ở trại dưỡng lão thì sợ mang tiếng.
P/S 2:
Về việc thờ cúng tổ tiên, mình nghĩ thế này. Ở Việt Nam thì đây là tôn giáo rồi, tôn giáo thì có phần tâm linh trong đó nên không dễ mà thay đổi hoặc xúc phạm. 
Việc người theo đạo Chúa có thể không thờ cúng tổ tiên mình không cho là bất hiếu vô ơn, như nhiều người đánh giá. Chẳng qua là họ theo 1 tôn giáo khác thôi. Giống bạn thờ ông Thích Ca thì người ta thờ ông Jesus, sao mà chê được, tổ tiên bạn thì cũng tương đương với mấy ông kia, nếu coi thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng. Thậm chí họ thờ ông Jesus còn tổng quát hơn ý, vì ổng to nhất luôn! Bạn thờ những người sinh ra bạn còn người ta thờ người sinh ra tất cả! Tóm lại là tín ngưỡng của nhau thì nên tôn trọng. 
Nhưng xét về tính bó buộc thì việc thờ cúng tổ tiên sẽ phức tạp và bó buộc hơn thờ Chúa. Vì phải bám lấy cái bàn thờ, tối thiểu là bát hương. Đã thế bát hương lại còn cấm di chuyển. Giá mà cắp nách được bát hương đi khắp thế giới thì OK!
Khi con người ta bị trói vào cái bát hương thì tự dưng bị hạn chế về phạm vi hoạt động, tức là hạn chế sự phát triển. Đi đâu xa lại phải nhớ rằm mồng 1, giỗ tết phải về thắp hương. Thế còn tâm trí đâu mà làm việc nữa?
Vì thế mình nghĩ việc thờ cúng tổ tiên nên phải ở trong tâm và chúng ta ở đâu thì bát hương theo đó. Nếu đi làm ở Mỹ thì cứ lập bàn thờ mà vái vọng, các cụ cân đẩu vân được tất! Giống người Công giáo người ta đến đâu thì đi lễ nhà thờ ở đó, đâu nhất thiết phải ở đúng quê?
Mình có nghiên cứu lâu về sự phát triển QG. Nơi nào có những dân tộc có thể đi xa để khám phá, thám hiểm, giao thương, thì nước đó mới dễ giàu mạnh. Nước nào mà dân cứ ru rú ở nhà thì ắt sẽ đói nghèo.
Việc thờ cúng cũng không nên quá phức tạp, lúc sống thì yêu quý nhau, chăm sóc nhau mới quan trọng, chứ chết rồi bày đặt mâm cao cỗ đầy làm bàn thờ to xây nhà thờ họ lớn cũng chỉ là để làm hình ảnh mà thôi. Con cháu nhớ đến bố mẹ ông bà cũng không nhất thiết cứ phải vào giỗ chạp. Như mình thì hay tưởng nhớ, có năm thắp hương bố mẹ vào…20/11. Vì bố mẹ mình là giáo viên. Rồi dạy dỗ con cái về ông bà bố mẹ để chúng nó nhớ thì còn bằng mấy lần thờ cúng người chúng nó còn chả biết là ai. 
Tóm lại là đừng trói chân mình vào cái bát hương mà hãy để bát hương đi theo mình.
Back to top button