10 Tiêu điểm

Đừng dùng tháp Maslow nữa nhé

ĐỪNG DÙNG “THÁP MASLOW” NỮA!
(bài rất dài, nhưng sẽ hữu ích cho ai kiên nhẫn)
Mình thấy ai cũng dùng từ “tháp Maslow” để nói về tầm quan trọng của các nhu cầu, và vô tình làm sai lệch cách nhìn nhận về từng nhóm nhu cầu này khi bối cảnh đã bị thay đổi.
Mình phải biết rằng ông Abraham Maslow sinh năm 1908, hơn 100 năm trước. Và ổng đưa ra mô hình dạng tháp nổi tiếng của ổng vào năm 1943. Bối cảnh gần 40 năm cuộc đời này của ông rất gần với thế hệ ông bà của chúng ta — một bối cảnh đầy những cuộc chiến ở khắp mọi nơi, các trật tự thế giới đang thiết lập bằng sức mạnh vũ trang, sự hoang dã ở các cộng đồng người, chưa có những công nghệ hiện đại, ngay cả điện thoại dây nối truyền tin cũng đang còn hiếm.
Tuy nhiên, trong xã hội đó, con người có một SỰ KẾT NỐI CỰC KỲ TỰ NHIÊN. Vì không có công nghệ, con người buộc phải giao tiếp với nhau một cách trực tiếp, tin tưởng, và gắn kết chặt chẽ trong cộng đồng nhỏ — những môi trường mà ai cũng biết rõ những người còn lại, những thứ như flexing hay sống ảo không thể tồn tại vì ai cũng biết rõ cả 3 đời của từng gia đình trong cộng đồng đó. Nên, con người buộc phải SỐNG THẬT VÀ KẾT NỐI THẬT.
Ban đầu mô hình Maslow là dạng tháp, vì bối cảnh lúc đó, sự sinh tồn là quan trọng nhất. Rồi đến các yếu tố về cảm giác an toàn. Các giá trị về cảm xúc, tinh thần, đức tin, tìm hiểu bản thân… là cuối cùng, đúng với hình tháp. Ta có thể thấy rằng, không phải vì nó không quan trọng bằng, mà vốn trong bối cảnh đó, các yếu tố ở trên đã vô tình được đáp ứng sẵn một phần nào rồi, một cực kỳ tự nhiên và vô hình như không khí vậy đó. Vậy nên Abraham Maslow có thể đã mặc định như thế, và ai cũng đồng thuận như thế.
Tuy nhiên, chúng ta đang thấy rằng ở xã hội hiện đại, những câu hỏi thách thức mô hình tháp này xuất hiện: Tại sao rất nhiều người tự kết thúc cuộc đời họ trong khi họ đã có đầy đủ các tầng dưới của tháp? Lẽ ra khi đã được đáp ứng về sinh tồn, an toàn, được yêu thương và có vai trò quan trọng trong cộng đồng của họ, thì họ phải tiếp tục phát triển một cách vững chắc chứ?
Nhưng không, bất kỳ yếu tố nào cũng có thể đe dọa đến sự tồn tại của một người. 
Giống như đại dịch COVID19 đã khiến cả thế giới hiểu được tầm quan trọng của hơi thở, dù từ trước đó thì dù không nhìn thấy và không cần để ý thì mọi người vẫn sống tốt — bối cảnh hiện đại khiến chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của việc sống thật và kết nối thật.
Vậy nên đã có những mô hình thay thế, ví dụ như mô hình trong hình minh họa này. Tất nhiên là với mỗi cá nhân thì có thể rất khác nhau nhé, nhưng cơ bản thì nó phù hợp với bối cảnh mới hơn hình tháp. Trục đứng thể hiện mức độ cần thiết của từng nhu cầu, trục ngang là sự phát triển cá nhân. 
Chúng ta có thể thấy rằng càng hướng về cuối, thì các nhu cầu ở các phần trước không còn lớn và “thiết yếu” nữa. Ở mỗi giai đoạn, mức độ quan trọng của từng nhóm nhu cầu sẽ khác nhau. Và nó liên quan chặt với “tuổi đời”, không phải tuổi vật lý, là mức độ PHÁT TRIỂN LÀNH MẠNH của cá nhân đó. Phát triển lành mạnh nhé, nhấn mạnh chỗ này.
“SELF-ACTUALIZATION”, hơi khó dịch, nhưng nhiều bản dịch chỉ nói là “tự thể hiện bản thân” thì nó dễ bị hiểu sai nhé. Để đạt được tới mức độ này thì sẽ cần qua một số giai đoạn mà phân tích ra có thể là thế này:
1. Thấu hiểu:
Hiểu bản thân & hiểu thế giới. Đồng thời. Vì thế giới là tấm gương phản chiếu chính mình. Ta thế nào thì thế giới của ta như vậy. Đó là sự tương thông và đồng hành của ta và thế giới.
Ta có thể tự quan sát bản thân để hiểu mình, rồi từ đó hiểu được thế giới (tương quan với mình). Hoặc có thể quan sát thế giới để thấu hình ảnh phản chiếu của mình trong thế giới mà mình thấy, từ đó hiểu mình. 
Ngay lúc bạn hiểu được, thế giới sẽ chuyển biến, đưa bạn tới tới level tiếp theo. Một tầng khác đòi hỏi nâng cấp kỹ năng quan sát và thấu hiểu của bạn hơn.
2. Chấp nhận:
Nhưng hiểu và chấp nhận là 2 bước rất xa nhau. Ví dụ: ta hiểu rằng thế giới tồn tại rất nhiều bất công, nhưng ta không thể chấp nhận điều đó. Ta cảm thấy bất mãn với các thể chế, ta nổi xung vì cách lái xe của mọi người, ta bức xúc vì cách mà các đồng nghiệp làm việc, vân vân… Mọi thứ, dù ta hiểu được tại sao những điều thực tế đó tồn tại, nhưng không thể chấp nhận. 
Cuối cùng, ta tự tổn thương bản thân vì những xung đột về niềm tin của bản thân với thực tại của thế giới. Ta điên cuồng phòng thủ và bảo vệ những hệ giá trị mà ta đã xây dựng về một thế giới LẼ RA PHẢI NHƯ THẾ. Và nếu ta buông xuôi, thì đôi khi đó sẽ là kết thúc, bởi một câu hỏi mà ta có thể quá sợ hãi, luôn né tránh không dám trả lời: Nếu thế giới thối nát như vậy và mình thuận theo đó, cuộc sống này còn ý nghĩa gì nữa?
Nhưng mà nghe mình nói nè, chấp nhận không có nghĩa là ta đồng thuận với những điều đó. Mình chỉ nhìn thế giới như nó đang là. Thừa nhận một thực tế, a fact. Giống như mình chấp nhận rằng là thời tiết nắng nóng hơn mức chịu đựng của mình, và chấp nhận cả một thực tế rằng mình vẫn khó chịu khi trời nắng nóng. Chỉ khi chấp nhận thực tại, mình mới có thể bắt tay vào thay đổi nó.
Điều quan trọng cần chấp nhận không chỉ là bên ngoài, mà là bên trong của mình. Mình chấp nhận các cảm xúc của mình, kể cả cảm xúc phản kháng, né tránh, phủ nhận, khước từ… Chấp nhận nó, hiểu được lý do tồn tại của nó, những gì đã hình thành nên nó, các điều kiện để nó kích hoạt và khi nào thì nó được giải tỏa. 
Từ “thấu hiểu” tới “chấp nhận” là một quá trình không hề dễ dàng. Và quá trình đó cũng không phải là một đồ thị tuyến tính. Nó có thể bị “nhiễu động” rất nhiều. Vì trong bản thân ta luôn xuất hiện nhiều suy nghĩ, nhiều nghi ngờ, nhiều bất an, nhiều bế tắc, và càng lâu thì càng dễ mất kiên nhẫn,… Một sự dồn nén có thể bùng nổ và phá hủy chúng ta vì một hành động nào đó, khi ta đầu hàng và trở thành kẻ phản diện. Như Joker nói rằng: “All it takes is one bad day to reduce the sanest man alive to lunacy. That's how far the world is from where I am. Just one bad day.”
Vậy, ta có đang chấp nhận thế giới không? Có đang chấp nhận bản thân mình không? Thế giới là ta, ta là thế giới. Phủ nhận thế giới, cũng là phủ nhận chính mình.
3. Hòa thuận:
Sau khi chấp nhận thế giới (và bản thân), liệu ta có thể hòa thuận với nó không? 
Hòa thuận là sao? Có phải là “thuận theo tự nhiên”, hay thuận theo dòng chảy không? Theo mình thì nói như vậy dễ hiểu sai là ta sẽ buông xuôi, để mặc số phận và dòng chảy đẩy ta tới đâu thì tới đó. Nó trở thành một trạng thái cực kỳ thụ động, và có thể vô tình khiến bản cảm thấy cuộc sống không còn ý nghĩa gì cả (mà có thật sự cần ý nghĩa không, tại sao nhỉ).
Hòa thuận, trước hết là không phủ nhận nó nữa, không xung đột với nó nữa, không phản kháng hay trốn chạy nó nữa. Không né tránh thực tại, không sợ hãi tương lai. Hòa thuận là nhìn thấy vai trò của bản thân trong dòng chảy của thế giới, để thấy những “con đường” mà mình có thể và không thể đi. Như mình bây giờ không thể nào trở thành một game thủ quốc tế hay giành huy chương Olympic được. Nhưng mình có những con đường khả dĩ khác, mà có thể người khác có muốn cũng không thể lựa chọn được. Cũng giống như thấy được những dòng hải lưu chảy ngầm dưới mặt biển, thấy được chuyển động của không khí và những luồng gió, ta thấy được sự biến động này có thể dẫn tới đâu và những gì ta có thể làm để lướt đi trên những con đường mà mình muốn thử đi (dù chẳng có gì hứa hẹn là nó sẽ giống với kỳ vọng của mình).
Hòa thuận với thế giới không có nghĩa là thỏa hiệp hay tha hóa. Để hòa thuận với đồng nghiệp không có nghĩa là ta phải đi nhậu, phải hút thuốc, phải làm những điều mình không muốn, hoặc đi ngược lại những giá trị mà mình trân trọng. Vì khi ta đã “chấp nhận” được thế giới, nghĩa là ta cũng thừa nhận những mâu thuẫn, những xung đột đang tồn tại. Có thể ta chưa thể giải quyết được, nhưng (giống như chơi game) hãy để đó như một nhiệm vụ mở mà ta sẽ trở lại giải khi ta lên level đủ để đương đầu với nó và có những item hay điều kiện cần thiết để xử lý nó, hoặc để người khác giải quyết. Ta biết ngừng cố chấp, biết tập trung vào những gì mình có thể thay vì những điều không thể.
Hòa thuận là ung dung và an nhiên trong dòng chảy đó, sống hết mình với những trải nghiệm mà nó mang tới, dù đau đớn hay vui sướng. Ta hiểu được lựa chọn của mình và sẵn sàng với những gì mà hành trình đó mang lại. 
Ta đến với thế giới trần trụi và trở về cát bụi cũng trần trụi, nhưng đã vẽ nên một nét tuyệt mỹ đan xen và nối tiếp. Như “a cloud never die” của sư ông Thích Nhất Hạnh, mọi hình tướng đều là sự tiếp nối vô hạn của thế giới. Ta cũng vậy. Hòa thuận, ta sẽ không cần phải cố công đạt tới hay dính mắc vào những cột mốc, mà ta có thể thong dong trên những con đường, và đổi hướng khi cần đổi hướng.
4. Hiện thực hóa:
Đây, cái gọi là “self-actualization” nó nằm ở đây nè. Nói đơn giản thì nó là “SỐNG THẬT” á, không có gì hoa mỹ hết.
Khi đã “thấu hiểu” –> “chấp nhận” –> “hòa thuận” với thế giới và bản thân, thì cuối cùng là ta có thể sống đúng với những điều đó, nghĩa là sống đúng với chính mình = SỐNG THẬT. Thật với các giá trị của mình, thật với thế giới, thật với mọi người xung quanh, thật với con đường mà mình lựa chọn.
Khi sống thật, ta sẽ lược bỏ đi rất nhiều những thứ gọi là “phù phiếm”. Mình thường hay nói rằng “trả tiền cho công năng thì rất rẻ, mấy giá trị vô hình khác mới đắt”. Ví dụ như ăn để đầy đủ dinh dưỡng để sống và hoạt động tốt thì chẳng có gì khó cả, nhưng để có không khí sang trọng, văn hóa nước này nước kia, có câu chuyện này nọ, để khoe mẽ, để thể hiện độ đẳng cấp này nọ –> thì giá một bữa ăn có thể đẩy lên hàng chục triệu đô la (thật đó, có lần người ta trả mấy chục triệu đô để đi ăn tối với Warren Buffett cơ mà).
Vậy nên giống trên hình, khi ở bước “sống thật”, ta có thể cắt bớt rất nhiều thứ “phù phiếm”. Ta dám thể hiện con người thật của mình, những giá trị của mình, mà không cần đắp lên những thứ hào nhoáng hoa mỹ được vay mượn từ những thứ khác (mà ta phải tốn rất nhiều năm sống không thật để có được). Lạ hén? Nghe phi lý nhưng nó tồn tại, nên với rất nhiều người thì nó hợp lý.
(hết mấy cái giải thích self-actualization ở đây hén)
Trở lại với các yếu tố nhu cầu mà ông Abraham Maslow đã liệt kê, các yếu tố này có một sự tương tác và tương quan với nhau rất… linh động và khó tĩnh lặng. Khi thế giới xem trọng vật chất, từ nhỏ tới lớn chúng ta được tiêm nhiễm/nuôi dưỡng bằng những quan điểm và niềm tin xem trọng vật chất (vì kế thừa từ thời đại và quan điểm của Maslow), ta sẽ không thể dễ dàng thoát ra hay rũ bỏ được. 
Ví dụ như bạn đã đạt tới đoạn “sống thật”, và các yếu tố còn lại không còn chiếm một tỷ lệ quá lớn trong cuộc sống của bạn nữa, thì bạn dễ trở thành một “kẻ kỳ quặc”. Kiểu như Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ không có ai thấu hiểu, hoặc bị chính gia đình của mình đặt nghi vấn. Thật không dễ dàng. Để sống thật và tử tế, bạn sẽ cần một sự can đảm và nỗ lực rất lớn. 
Khi mà tất cả những người mà bạn yêu thương, gắn bó, đều theo mô hình THÁP, thì họ sẽ luôn yêu cầu bạn cần phải có xây mấy cái nền đó trước hết. Nhà, xe, tài sản, vân vân… chẳng biết làm gì tiếp theo cả (ngoài việc trả nợ và dính chặt với guồng quay). Nên muốn tu dưỡng hay phát triển bản thân gì đó đâu có dễ đâu. 
Ê, nhưng đâu có phủ nhận được thực tế thế giới, như đã nói ở mục 2, đúng hông nè. Cỡ như Chủ tịch Vũ còn khổ thế cơ mà, nói chi là thường dân đỗ nghèo khỉ như mình. Mình vật vã vkl với mấy cái nhu cầu vật chất của mình thì làm sao mà “sống thật” được. Phú quý mới sinh lễ nghĩa, chứ bụng đói thì nói gì văn hóa. Đó, cái tương tác và tương quan của các nhu cầu này rất không đơn giản. “Có thực mới vực được đạo”. 
Nhưng hiểu được cái đồ thị này, thì ta sẽ thực vừa đủ thôi, biết giai đoạn nào thì ta cần phân bố tỷ lệ bao nhiêu cho cái gì. Ta sẽ đỡ phải dành cả đời chỉ để xây một cái nền thật đẹp cho cái tháp Maslow của mình, giống như những vị vua Ai Cập xây kim tự tháp — a.k.a. lăng tẩm cho chính họ.
Vậy nên, đừng có xài mô hình tháp nữa. Hén.
– cre: cóp nhặt trên mạng – 
Back to top button