10 Tiêu điểm
Giáo dục thì lấy cái gì là trung tâm mới chuẩn đây

CHẤT LƯỢNG THẦY GIÁO
Nền giáo dục Việt Nam, từ chỗ lấy thầy giáo làm trung tâm đến việc chuyển thành lấy người học làm trung tâm đã gặp phải một số nhận thức khập khiềng, kể từ Bộ trưởng cho đến rất nhiều người ở các cương vị khác nhau.
Vào năm 1996, Công đoàn Giáo dục tổ chức một Hội thảo ở trường Đại học Kinh tế, chuyên đề vể Cán bộ giảng dạy đại học. Bộ trưởng Trần Hông Quân đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó ông nói khá nhiều về việc lấy người học làm trung tâm. Tôi nghe kỹ và phát hiện hiện ra rằng ông Quân có chỗ hiểu chưa đúng. Tôi có đăng ký tham luận. Khi trình bày, ngoài một số điều quan trọng đã chuẩn bị, tôi ứng khẩu nói về trung tâm trong giáo dục
Tôi cho rằng lấy NGƯỜI HỌC làm trung tâm cho một nền giáo dục là không chuẩn. Nếu cần trung tâm thì chỉ nên lấy người học làm trung tâm trong từng buổi học, trong từng môn học cụ thể, còn nói chung, trong giáo dục phải lấy VIỆC HỌC (chứ không phải lấy người học) làm trung tâm. Cả lãnh đạo, thầy và trò đều phải lấy VIỆC học làm trung tâm. Đó là theo đúng lời của Phật tổ : “ Y Pháp bất Y Nhân”. Thầy và việc dạy là để phục vụ cho việc học. Lấy NGƯỜI mà không lấy VIỆC có thể làm cho người học có nhận thức và hành động lệch chuẩn. Nhưng đối với toàn ngành và Bộ trưởng, để tạo lập được một nền giáo dục bền vững và phát triển thì phải lấy việc xây dựng một đội ngũ thầy cô giáo có chất lượng làm trọng tâm, trọng điểm. Bộ trưởng đã tỏ ra tán thành và sau đó tôi nghe ông nói lại ý này.vài lần.
Trong thời gian làm thỉnh giảng ở ĐH Dân lập Hải Phòng tôi thường trao đổi với ông Trần Hữu Nghị về chất lượng thầy giáo. Ở ĐHDL có hai loại thầy: cơ hữu và thỉnh giảng. Thầy cơ hữu thuộc biên chế của trường. Thầy thỉnh giảng được mời từ các trường khác. Ông Nghị và tôi đều quan tâm đến việc nâng cao chất lượng thầy cơ hữu, họ thường là các bạn còn trẻ, vừa tốt nghiệp ở các trường ĐH chuyên ngành khác. Nhưng ông và tôi, mỗi người quan tâm theo các hướng khác nhau.
Ông Nghị lo gửi các giảng viên đi học trên ĐH để họ nhanh chóng có bằng Thạc sĩ. Tôi cho rằng việc này tuy cần nhưng hãy để từ từ vì có việc khác cần hơn.
Chất lượng của thầy cô giáo, ngoài đạo đức của người lương thiện, lòng yêu nghề, yêu người, biết khơi dậy ở người học cảm hứng và ham muốn học hỏi thì gồm hai mảng là kiến thức chuyên môn và năng lực sư phạm. Về kiến thức, cần học tập, tích lũy lâu dài, suốt đời, chủ yếu bằng tự học. Việc có bằng thạc sĩ chỉ đóng góp một phần nhỏ. Điều rất cần đối với giảng viên trẻ là năng lực sư phạm mà họ chưa được trang bị trong quá trình học ở các trường chuyên ngành khác với sư phạm. Viện Nghiên cứu Giáo dục tuy có mở các lớp bồi dưỡng sư phạm, thu tiền và cấp chứng chỉ (thực ra là bán), nhưng họ thường giảng về những lý thuyết cao siêu, it thich hợp cho những người mới vào nghề (tôi đã dự và tìm hiểu những lớp như vậy).
Làm thầy cô giáo thì năng lực sư phạm quan trọng hơn kiến thức chuyên môn. (cao hơn năng lực là nghệ thuật sư phạm). Tôi ví năng lực sư phạm giống như người nấu bếp chế biền thức ăn. Cùng một tảng thịt bò tươi, chất lương tốt, một người có thể chế biến thành món rất ngon (mềm, béo, thơm, vị ngọt), người khác có thể làm ra món rất dở (quá dai, quá mặn…).
Hình như ông Nghị có tán thành ý của tôi, nhưng vẫn thích việc nhiều thầy cô có bằng thạc sĩ (phải chăng vì dễ đạt được và có thành tích để giới thiệu). Tôi khá vất vả mới thuyết phục được ông, mở lớp học về sư phạm cho các giảng viên trẻ, tôi sẽ hướng dẫn họ học và chia sẻ với họ những kinh nghiệm. Học trong 12 buổi, Tôi hướng dẫn cách lập đề cương môn học, các phương pháp soạn bài, cách kiểm tra và điều chỉnh, ra đề thi và đánh giá, các phương pháp giảng dạy, cách giảng bài trên lớp, cách xử lý các tình huống sư phạm, phân biệt dạy hay và dạy giỏi v.v… Tôi nói đùa, hình như tôi cởi trần ra để hướng dẫn phương pháp sư phạm, vì rằng những điều hay, điều cần mà tôi hướng dẫn thì họ sẽ nhìn vào tôi xem tôi nói thế nhưng thực hành như thế nào, có làm được, làm đúng điều đang trình bày hay không. Học viên sẽ lấy hoạt động của tôi để kiểm chứn lời tôi nói
Kết thúc lớp học, mỗi học viên viết thu hoạch, nhận xét, tôi không thu, không xem mà lớp trưởng thu và nạp trực tiếp cho ông Nghị (cho khách quan). Nhiều thầy cô tâm sự rằng lớp học tuy ngắn nhưng đã giúp họ trưởng thành nhiều. Những thầy cô được tôi hướng dẫn năm ấy bây giờ đã là U50, tôi hy vọng họ vẫn còn nhớ việc này.
Ở Bộ môn Công tring Bê tông cốt thép của ĐHXD, mỗi lần tuyên giang viên mới tôi đều hướng dẫn và kèm cặp về năng lực sư phạm.