10 Tiêu điểm

Làm gì cũng được nhưng chẳng làm gì có khi lại tốt hơn

VÌ SAO KHI LƯU DUNG DÂNG SỚ MUỐN CÁO LÃO VỀ QUÊ, CÀN LONG LẠI NÓI VỚI GIA KHÁNH ĐÈN TRONG ĐIỆN BỊ LỆCH?
Trong phim truyền hình <Tể Tướng Lưng Gù Lưu Dung> được phát sóng năm 1996, khi Càn Long về già đã quyết định truyền ngôi cho hoàng tử thứ mười lăm – Vĩnh Diễm – cũng tức là hoàng đế Gia Khánh sau này. Tại một buổi triều, Lưu Dung tấu nói muốn cáo lão về quê, Càn Long nghe xong thì hỏi Gia Khánh muốn Lưu Dung về quê hay ở lại làm quan, Gia Khánh nói muốn giữ, Càn Long hỏi lại muốn giữ lại hay cho về, Gia Khánh không hiểu ý Càn Long, do dự không dám đáp, chỉ nói “vâng, dạ”. Càn Long thấy thế đã hỏi Gia Khánh có phải cái đèn treo trong điện đã bị lệch không? Gia Khánh đáp không lệch. Hòa Thân nói là lệch, sau đó rất nhiều quan lớn trong điện cũng nói là lệch. Lưu Dung im lặng không đáp. Càn Long hỏi lại Gia Khánh, Gia Khánh đáp là lệch. Càn Long nói Hòa Thân đi sửa lại đèn, Hòa Thân hỏi nên sửa về bên trái hay bên phải, Càn Long cười nói thì ngươi đã thấy nó lệch sang bên nào rồi đấy thôi. Hòa Thân sửa xong, Càn Long hỏi Gia Khánh giờ thì thấy nó thế nào rồi, Gia Khánh đáp đèn đã ngay ngắn rồi, sau đó Càn Long nhìn Gia Khánh, Gia Khánh cười quay xuống nói với Lưu Dung: Trẫm phê chuẩn cho khanh về quê.
Vậy thì vì sao Càn Long lại nói đèn trong điện bị lệch?
Về vấn đề này, có các nhận định như sau:
1. Càn Long muốn bảo vệ Lưu Dung.
Cho dù Càn Long rất tin dùng Hòa Thân nhưng ông vẫn coi trọng và yêu quý tài hoa cũng như sự chính trực của Lưu Dung, nên ông vẫn hy vọng Lưu Dung sẽ được bình an về nhà. Lúc này Gia Khánh đã làm hoàng đế nhưng vẫn cùng theo Thái thượng hoàng Càn Long lên triều, ngồi thấp xuống một bậc, nên Gia Khánh rất muốn bồi dưỡng lực lượng cho riêng mình. Càn Long biết rõ chỉ khi ông có đủ quyền lực mới có thể bảo vệ Lưu Dung, một khi ông đã trao toàn quyền cho người kế vị, có thể Lưu Dung về già sẽ rất thê lương, nên đã dùng câu chuyện đèn lệch này để khuyên Gia Khánh đang do dự, để Gia Khánh cho Lưu Dung an toàn về quê.
2. Càn Long gợi ý với Gia Khánh nên cho về.
Càn Long nói với Gia Khánh đèn treo lệch (gua wai), đọc hơi trại là ngoài cung (gong wai), nghĩa là muốn cho Lưu Dung về, Gia Khánh thấy vậy nên đã làm theo ý Càn Long, chấp nhận cho Lưu Dung về quê.
3. Càn Long muốn cho Gia Khánh biết quyền lực thực sự vẫn đang nằm trong tay mình.
Lúc Lưu Dung tâu muốn về quê dưỡng lão, Gia Khánh lại rất do dự, không dám đáp lời Càn Long, Càn Long thấy thế thì hỏi Gia Khánh đèn có bị lệch không, Gia Khánh đáp không lệch nhưng ngoại trừ Lưu Dung tất cả quan lúc đó đều nói đèn bị lệch. Càn Long muốn mượn chuyện này để nói cho Gia Khánh, quyền lực thực sự vẫn đang nằm trong tay mình, ai mới là người lãnh đạo quần thần.
4. Nói cho Gia Khánh Hòa Thân là một vị quan như thế nào.
Lúc đó Càn Long nói đèn bị lệch, thực ra ai cũng biết đèn không bị lệch, đương nhiên Gia Khánh hiểu được điểm này, nhưng dưới sự dẫn đầu của Hòa Thân, tất cả quan trên triều đều nói đèn bị lệch. Càn Long ra lệnh cho Hòa Thân đi sửa đèn lại cho ngay, Hòa Thân hỏi Càn Long nên sửa về bên nào, Càn Long nói chẳng phải ngươi đã thấy  là lệch rồi sao. Hòa Thân cười đi sửa. Sau khi sửa xong Hòa Thân lại nói đã sửa theo ý chỉ của Thái thượng hoàng. Càn Long nghe xong chỉ nói “tốt”, không nói rõ là sửa có ngay ngắn hay chưa, đã quay qua hỏi Gia Khánh có thấy ngay hơn chưa, Gia Khánh đáp đã ngay rồi và chuẩn tấu cho Lưu Dung về nhà.
Càn Long, Gia Khánh, Hòa Thân, Lưu Dung và văn võ trong triều đều hiểu rõ đèn không lệch, nhưng sau khi nghe lệnh sửa đèn cho ngay, Hòa Thân vẫn nói đã sửa theo ý chỉ của Thái thượng hoàng chứ không phải bản thân. Nếu lúc này Càn Long nói đèn đã ngay, thì tức lúc nãy thực sự bị lệch, vậy là thành nói dối. Nhưng nếu Càn Long nói đèn chưa ngay, vì đèn có bị lệch đâu, thì Càn Long cũng thành nói dối. Nên Càn Long chỉ nói một chữ “tốt”. Rõ ràng ngươi đã nói lệch, ta ra lệnh cho ngươi đi sửa cho ngay, vì sao ngươi lại nói làm theo lệnh ta? Loại gian thần chỉ biết nịnh hót và luôn trốn tránh trách nhiệm này không thể giữ lại được, Gia Khánh, con đã hiểu chưa?
5. Càn Long muốn nói với Lưu Dung và các đại thần trong triều: đừng chấp nhất sự thực.
Thời cổ đại “vua xử thần tử, thần bất tử bất trung” (vua bắt thần c/h/ế/t, thần không c/h/ế/t tức là không trung thành), Càn Long đã nói là lệch thì có nghĩa là lệch, cho dù nó có lệch hay không cũng không quan trọng. Càn Long muốn nói cho Lưu Dung và các đại thần đừng quá chấp nhất sự thực trong đó, đừng cố làm kẻ tỉnh trong cả đám người say, nên nhắm mắt cho qua thì hơn.
Càn Long nói đèn lệch, đầu tiên Gia Khánh nói không lệch nhưng sau khi nghe quan trên triều đồng thanh nói lệch thì Gia Khánh cũng nói là lệch. Bởi vì Gia Khánh đã hiểu được đạo lý Càn Long muốn gửi, nếu mọi người đều nói lệch thì cứ giả bộ hồ đồ nói là lệch đi, còn việc có lệch hay không biết trong lòng là được. 
6. Dạy dỗ Gia Khánh đạo lý làm vua.
Càn Long nói đèn lệch, ngoài Lưu Dung ra, theo Hòa Thân dẫn đầu tất cả quan trong triều đồng tình đèn lệch. Thông qua chuyện này Càn Long muốn nói với Gia Khánh:
– Lưu Dung là một vị quan chính trực, sẽ không a dua, nhưng lại một mình một cõi. Hòa Thân tuy là tên nịnh hót bất chấp đúng sai, nhưng một lời hắn nói ra lại có thể khiến các quan trong triều nghe theo. Trung thần và gian thần đều có điểm tốt và xấu, quan trọng là Gia Khánh phải nhìn ra được chỗ này là biết cách lợi dụng nó.
– Càn Long đã giúp Gia Khánh nhìn rõ trong triều đình này có hai người không thể giữ lại. 
Một là Hòa Thân, chẳng những bất chấp đúng sai nói là đèn lệch mà sau khi cầm gậy chỉnh đèn còn nói là nghe theo lệnh của Thái thượng hoàng để chỉnh, là một tên quan chỉ biết nịnh nọt, không tiếc nói dối để hùa theo hoàng đế. Nhưng đáng sợ hơn nữa là người này lại có thể dẫn dắt quan lại toàn triều cùng nói dối. Một người như thế tồn tại thì hoàng đế còn nghe được lời thật hay không?
Một người không thể giữ lại nữa chính là Lưu Dung. Người như Lưu Dung tuy ngay thẳng nhưng lại ngoan cố. Nếu giữ Lưu Dung lại, sau này Lưu Dung không đồng ý với ý kiến của hoàng đế thì làm thế nào đây, việc này sẽ bất lợi cho uy quyền của hoàng đế. Ngoài ra, Lưu Dung cũng không hòa hợp với đại thần trong triều, nếu nghe theo Lưu Dung có nghĩa là chỉ được một người mà mất đi sự ủng hộ của những người khác. Hơn nữa khi Hòa Thân nói đèn lệch, Lưu Dung im lặng không nói gì, mặc cho Gia Khánh nói là đèn lệch. Điều này chứng minh cả Lưu Dung và Hòa Thân đều không dùng được, “một đời vua một đời thần”, nếu đều không dùng được thì giữ lại làm gì, nhưng Lưu Dung lại là một vị quan chính trực nên thôi cứ thả hắn về nhà đi.
– Thân là thiên tử, phải khống chế ý kiến của thần tử, không thể để họ biết được suy nghĩ thật của mình, đó cũng là điều Càn Long đã làm được. 
Càn Long đương nhiên biết Hòa Thân tham, cũng biết Lưu Dung là trung thần, nhưng Càn Long lại dùng cả hai người, Hòa Thân và Lưu Dung đều dè chừng không biết suy nghĩ thực sự của Càn Long là gì. Càn Long nói đèn lệch, rõ ràng là không lệch lại bảo người ta đi sửa lại đèn, rốt cục Càn Long muốn làm gì? Không ai biết được, Hòa Thân không biết nên chỉ dám nương theo nói sửa theo ý chỉ của Thái thượng hoàng, Lưu Dung cũng không biết được nên khi Gia Khánh nói thả cho về, Lưu Dung vẫn còn ngơ ngác không quỳ xuống tạ ơn, chỉ khi Càn Long nói Lưu Dung mới dám quỳ. Không để họ biết được suy nghĩ thực sự trong lòng mình cũng chính là đạo lý làm vua.
– Cách cân bằng cục diện trong triều.
Lưu Dung và Hòa Thân như hai bên trắng và đen của bát quái, là hai đầu cán cân có thể cân bằng cục diện trong triều đình, mà Càn Long chính là trục giữ cho hai bên cán không bị lệch. Từ xưa đến nay, gian thần và trung thần luôn tồn tại song song, Lưu Dung và Hòa Thân đều có chỗ dùng được, chỗ không dùng được, Càn Long thao túng hai bên làm việc cho mình, giữ cho cục diện trong triều luôn ở thế cân bằng. Nhưng nếu Lưu Dung từ quan, thế chẳng phải là đã bị lệch rồi hay sao. Càn Long đã tốn rất nhiều thời gian mới tạo được thế cân bằng giữa Lưu Dung và Hòa Thân, Gia Khánh chưa chắc có thể tìm được một Lưu Dung khác để áp chế Hòa Thân, vậy thì chi bằng phá bỏ xây lại hai cán cân mới hoàn toàn dành riêng cho Gia Khánh.
Càn Long hỏi Gia Khánh có thấy đèn đã bị lệch không, Gia Khánh chưa hiểu ý Càn Long nên đáp là không lệch. Sau khi Hòa Thân xu nịnh sửa đèn, Càn Long lại hỏi Gia Khánh thấy đèn đã ngay chưa, Gia Khánh đã hiểu được ý Càn Long nên đáp: đã ngay ngắn rồi. Trước nay Càn Long luôn có ý bao che Hòa Thân, để cả trung thần và gian thần làm việc cho mình, mà một khi trung thần đã ra đi, gian thần lại có khả năng một tay che cả triều đình, vậy gian thần này có còn giữ lại được không? 
Số phận của Hòa Thân đã được xác định ngay khi hắn sửa đèn.
– Càn Long có thể khống chế hai trung thần và gian thần như Lưu Dung và Hòa Thân làm việc cho mình, còn Gia Khánh chưa chắc có năng lực như vậy. Gia Khánh trước mắt không khống chế được Hòa Thân bởi vì phe cánh của hắn ở khắp trong triều, cũng không khống chế được Lưu Dung bởi vì Lưu Dung thà mặc cho Gia Khánh nói là đèn lệch cũng im lặng không can gián, có nghĩa là hắn đã quyết chí muốn từ quan, ngươi hà tất phải giữ lại một kẻ không chịu làm việc cho mình. 
Gia Khánh biết là hai người đều không dùng được, tốt nhất vẫn là tự bồi dưỡng lực lượng cho mình thì hơn. 
Sau Càn Long đã mất, Gia Khánh bày đài xem kịch, vừa xem kịch vừa cười lớn, văn võ bá quan cũng cười theo, nhưng đột nhiên Gia Khánh lại ngừng cười trừng mắt nhìn mọi người, văn võ bá quan thấy vậy cũng im bặt. Đứng hầu hai bên Gia Khánh lúc bấy giờ có 2 người, một kẻ thấy hoàng đế đã ngừng cười nhưng là người duy nhất ở đó dám tiếp tục cười, một kẻ thấy thái giám dâng trà lại quỳ mọn xuống đất nịnh nọt bưng trà cho hoàng đế. Người tiếp tục cười đứng kế bên nhìn, tên nịnh nọt chỉ chăm chăm nhìn vào chén trà, Gia Khánh lại mỉm cười. Một trung thần chính trực, một gian thần nịnh nọt sẽ không vì Lưu Dung về quê, Hòa Thân c/h/ế/t mà hết, Gia Khánh cũng đã có một trung một gian của riêng mình chứ không cần phải dùng lại người của Càn Long. 
Khi được ân chuẩn cho về quê, Lưu Dung từng dùng mạng mình cá với Hòa Thân trong 5 năm tới Hòa Thân sẽ đứng trong lao, Lưu Dung đứng ngoài lao. Hòa Thân cười không thèm để ý. Nhưng rốt cục Lưu Dung đã nói đúng, sau khi Càn Long c/h/ế/t Gia Khánh đã lập tức xử tử và tịch biên gia tài của Hòa Thân.
Cuối phim sau khi tiễn biệt Hòa Thân lần cuối, trên đường về nhà Lưu Dung đã chơi trò bắn bi với mấy đứa nhóc. Lưu Dung dùng chiếc mặt nạ đỏ của mình để đổi lấy bi của đám nhóc. Cả đám đều muốn bắn bi của mình vào lỗ đại hoàng thượng. Đứa nhóc cầm mặt nạ đỏ đã bắn qua 5 ải, chỉ còn thiếu một bước để đến lỗ đại hoàng thượng nhưng lại bị Lưu Dung cản trở không cho vào. Lưu Dung không chọn bắn viên bi của mình vào lỗ đại hoàng thượng mà lại bắn bi của đứa trẻ ra xa. Cả đám không trẻ không hiểu tại sao, Lưu Dung nhìn chúng cười ranh mãnh. Nụ cười này cũng đã kết thúc toàn bộ phim. 
Trong kinh kịch mặt nạ tô đỏ thể hiện nhân vật trung thành chính trực, Lưu Dung lại đứng canh không cho đứa trẻ cầm mặt nạ đỏ bắn vào lỗ đại hoàng thượng. Bởi vì Lưu Dung đã thấu hiểu quan trường cũng như cuộc đời này. Những năm tháng tuổi trẻ Lưu Dung ngoài mặt là đấu với Hòa Thân, thực chất cũng là đấu trí với hoàng đế. Người dùng Hòa Thân là hoàng đế, người g/i/ế/t Hòa Thân cũng là hoàng đế, Lưu Dung ta cả đời làm quan chưa hề thắng được tên tham quan Hòa Thân, nhưng Hòa Thân cũng không thắng được. Người chiến thắng thực sự luôn là hoàng đế. 
Ai cũng muốn bắn vào lỗ đại hoàng thượng, ai cũng muốn làm trọng thần bên cạnh hoàng đế, gian thần thì muốn tham, trung thần lại muốn can gián, nhưng tốt nhất là đừng ai vào cả, người trước ngã xuống người sau đừng nên tiến lên. Là gian thần cũng được, trung thần cũng được, hoàng đế cần người nào thì người đó sẽ được sống, tốt nhất cứ cách xa hoàng thượng ra thôi. 
Trước khi c/h/ế/t Hòa Thân nói sẽ xuống dưới gặp Thái thượng hoàng, Lưu Dung lại nói không bao giờ muốn làm quan nữa. Hòa Thân cả đời vinh hoa phú quý, cuối đời lại tấm tắc khen ngon một chiếc bánh rán kẹp cọng hành. Lưu Dung phấn đấu cả đời, lúc cao lúc thấp, cuối cùng đã nhìn thấu tất cả. 
Danh hay là lợi đều chỉ là mây khói thoảng qua, những chuyện trên thế gian này đều sẽ bay theo làn gió. Vất vả mấy chục năm, Hòa Thân ông hay Lưu Dung tôi, chẳng ai là người thắng cả.
—————————————————-
Cảm ơn tác giả “Kẻ đếm mây trời” về bài viết hết sức thú vị.
Via Lê Văn Lực.
Back to top button