10 Tiêu điểm

Một bài phát biểu của nhà văn Việt kiều đã giành giải Pulitzer

ĐI TÌM TIẾNG NÓI CỦA MÌNH.
Nửa đêm nằm dịch bài phát biểu trong lễ tốt nghiệp khoá 2022 tại Đại học Franklin and Marshall của nhà văn Nguyễn Thanh Việt, Việt kiều giành giải thưởng cao quý Pulitzer (như Nobel trong văn học). Chợt nhớ lại bài phát biểu này khi nghĩ về những giá trị cốt lõi của Pencil Group – never run out of ink. Link nghe và đọc bản tiếng Anh ở dưới comment.
– – – – –
Chào buổi sáng, Đại học Franklin and Marshall! Thật là vui và vinh dự khi được ở đây cùng các bạn trong ngày của sự tri ân, niềm hy vọng, cảm giác nhẹ nhõm và cả những chiếc mũ ngộ nghĩnh làm rối mái tóc.
Xin chúc mừng, các sinh viên tốt nghiệp, về thành tích tuyệt vời của các bạn. Xin chúc mừng các bậc cha mẹ về thành tích tuyệt vời hơn nữa trong việc nuôi dạy những người trẻ như thế này. Đây là một ngày hạnh phúc, nhưng thành thật mà nói, ngày này để lại trong tôi nhiều cảm xúc lẫn lộn, vì khi tôi nhìn tất cả những gương mặt lạc quan, trẻ trung, sẵn sàng bước vào hành trình cuộc đời của họ, một lần nữa tôi được nhắc nhở rằng hành trình cuộc đời tôi đã qua hơn nửa rồi.
Tôi nghĩ tôi ở đây hôm nay chủ yếu là vì tôi đã viết một cuốn tiểu thuyết có tên là The Sympathizer (tạm dịch: Cảm Tình Viên). Gần đây, tôi được biết rằng HBO đang chuyển “The Sympathizer” thành một bộ phim truyền hình dài tập, điều đó có nghĩa là nếu bạn chưa đọc “The Sympathizer” thì bạn sẽ không bao giờ phải đọc “The Sympathizer”. Bạn có thể xem phim truyền hình.
Tôi là một nhà văn và tôi sống ở Los Angeles. Khi tôi nói với mọi người ở LA rằng tôi là một nhà văn – không ai quan tâm. Tôi đã quen với nó. Tôi là một sinh viên chuyên ngành tiếng Anh. Mọi người sẽ luôn hỏi, “Bạn sẽ làm gì với chuyên ngành tiếng Anh?” Lúc đó tôi ước mình có tầm nhìn xa và đủ dũng khí để nói, “Giành giải thưởng Pulitzer?” Một cách khiêm tốn hơn, lẽ ra tôi nên nói, “Đi tìm tiếng nói của tôi”. Đó là những gì tôi muốn nói với bạn hôm nay.
Bất kể bạn học chuyên ngành gì, bạn hình dung cho mình nghề nghiệp gì, bạn đều cần phải tìm ra tiếng nói của mình.
Hành trình của tôi để tìm kiếm tiếng nói của riêng mình và trở thành nhà văn bắt đầu tại Fort Indiantown Gap, cách LA chưa đầy một giờ. Gia đình tôi đến đó vào năm 1975 để tị nạn, chạy trốn khi chiến tranh kết thúc ở Việt Nam. Là một người tị nạn thì khá đau thương. Nhưng không phải tất cả mọi điều đều xấu. Việc trở thành một người tị nạn đã để lại cho tôi những tổn thương tinh thần cần thiết để trở thành một nhà văn.
Là một người tị nạn cũng để lại cho tôi một quan điểm ​​mà không phải tất cả các bạn có thể đồng ý, đó là: Tôi nghĩ rằng những người tị nạn, và những người nhập cư, làm cho nước Mỹ trở nên vĩ đại.
Một trong những người sáng lập trường đại học của các bạn sẽ không đồng ý. Năm 1751, Benjamin Franklin hỏi: “Tại sao Pennsylvania, do người Anh thành lập, lại trở thành Lãnh thổ của những kẻ ngoại lai, những người sẽ không bao giờ chấp nhận Ngôn ngữ hoặc Phong tục của chúng ta, và chẳng thể có màu da giống chúng ta.”
Những kẻ ngoại lai mà ông ấy nói đến? Người Đức.
Ôi, những người Đức da ngăm đen khủng khiếp. Ai có thể ngờ rằng 265 năm sau bài phát biểu của Ben Franklin, một hậu duệ của những người nhập cư Đức đã trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ này (Donald Trump). Và rằng một hậu duệ khác của những người nhập cư Đức đã trở thành chủ tịch của Đại học Franklin and Marshall College: Barbara Altmann.
Nói về thành tựu, anh trai tôi đã mười tuổi khi anh ấy đến đây. Bảy năm sau, anh tốt nghiệp với tư cách thủ khoa trường trung học của mình và vào Harvard. Sau đó, chắc chỉ để tôi tủi hổ hơn, anh ấy đã đến trường y khoa Stanford. Đó là điều bạn phải làm, khi bạn là người châu Á.
Tôi rất tự hào về anh trai mình, nhưng tôi không nghĩ rằng chính sách người tị nạn và người nhập cư của chúng ta nên dựa trên việc liệu người tị nạn hoặc người nhập cư có thể trở thành bác sĩ, tổng thống hay người đoạt giải Pulitzer hay không. Bạn không cần phải đặc biệt để được đưa vào đất nước này. Tôi là một người tin tưởng vào một Hợp chủng quốc Hoa Kỳ bình đẳng cho tất cả mọi người, nơi những người tị nạn và nhập cư có quyền… tầm thường, giống như mọi người Mỹ khác.
Bây giờ, bạn vừa trải qua bốn năm cuộc đời ở đây, và có lẽ là nhiều năm trước đó, cố gắng không trở nên tầm thường. Tôi ở đây để cho phép bạn thất bại. Cha mẹ của bạn có thể không muốn nghe điều đó. Nhưng bạn nên nghe điều Samuel Beckett viết: “Đã từng thử. Đã từng thất bại. Không vấn đề. Thử lại. Thất bại một lần nữa. Thất bại một cách tốt hơn”.
Trong trường hợp của tôi, tôi đã thất bại rất nhiều khi cố gắng đi tìm tiếng nói của mình, mặc dù tôi đã có một thành công ban đầu. Vào năm lớp ba, tôi đã viết và vẽ cuốn sách đầu tiên của mình, “Chú mèo Lester”. Lester là một con mèo thành thị, bị chán nản. Chán cuộc sống thành thị, nó trốn về nông thôn. Ở đó, trong một cái chuồng đầy cỏ khô, nó đã tìm thấy tình yêu với một cô mèo đồng quê.
Thật bất ngờ, Thư viện Công cộng San Jose đã trao giải thưởng sách cho “Chú mèo Lester”. Trước đó tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một nhà văn, và tôi mãi mãi biết ơn Thư viện Công cộng San Jose đã khuyến khích tôi và đưa tôi vào con đường hơn ba mươi năm khốn khổ cố gắng trở thành một nhà văn.
Một điển hình nữa trong sự nghiệp viết văn của tôi, môn viết sáng tạo đầu tiên của tôi tại Đại học Communists Berkeley với nhà văn Maxine Hong Kingston. Mỗi ngày tôi đều vào lớp của cô ấy gồm mười bốn sinh viên, ngồi cách cô ấy vài bước chân, một nhà văn có cuốn sách “Nữ chiến binh” nổi tiếng là cuốn sách được giảng dạy rộng rãi nhất trong khuôn viên trường đại học, và mỗi ngày tôi lại ngủ gật. Maxine đã cho tôi một điểm B+, có vẻ không tệ lắm, ngoại trừ việc một điểm B+ là… một điểm F với dân châu Á.
Không ai nghĩ tôi có tài làm nhà văn. Nhưng tôi chưa bao giờ bỏ cuộc. Trong hai mươi năm sau đó, tôi đã thất bại hết lần này đến lần khác. Nếu bạn là một trong những người không bao giờ thất bại trong bất cứ điều gì, người không bao giờ ngủ gật trong lớp, người luôn làm tốt những việc bạn làm – tôi ghét bạn. Tất cả chúng tôi đều ghét bạn. Đối với phần còn lại, những người đã thất bại, bài học là: bền bỉ quan trọng hơn tài năng.
Hơn hai mươi năm, tôi vẫn kiên trì. Tôi đã dành khoảng mười nghìn giờ một mình trong phòng để cố gắng trở thành một nhà văn. Nếu bạn dành mười nghìn giờ để làm bất cứ điều gì – bạn sẽ giỏi việc đó. Có thể không tuyệt vời, nhưng giỏi. Thách thức là tìm ra thứ mà bạn đủ quan tâm để dành mười nghìn giờ làm việc đó. Hãy cố gắng tìm ra một điều truyền cảm hứng cho rất nhiều đam mê trong bạn.
Đón chờ những thất bại trên đường đi. Tha thứ cho bản thân vì đã thất bại. Nhận ra rằng thất bại có thể là học hỏi. Mỗi lần thất bại, tôi lại tiến thêm một bước nữa để tìm ra tiếng nói của mình.
Điều đó rất quan trọng đối với tôi bởi vì tôi lớn lên khi nước Mỹ đang tham chiến ở Việt Nam một lần nữa, lần này là trên màn ảnh. Tôi đã xem gần như tất cả các bộ phim về Chiến tranh Việt Nam của Hollywood, một điều mà tôi không khuyên ai nên làm, đặc biệt nếu bạn là người Việt Nam. Việt Nam là đất nước của chúng tôi và đây là cuộc chiến của chúng tôi, nhưng vị trí duy nhất của chúng tôi trong phim Mỹ là bị giết, bị hãm hiếp, bị đe dọa hoặc được giải cứu. Nhiệm vụ của chúng tôi là la hét, khóc lóc, cầu xin hoặc nguyền rủa, và nếu chúng tôi có thể nói bất cứ điều gì, đó là “Me love you long time” hoặc “thank you” vì đã được cứu.
Giống như nhiều sắc tộc được gọi là thiểu số khác, chúng tôi đã bị bóp méo bởi những định kiến ​​hoặc bị xóa bỏ bởi sự thiếu hiểu biết. Giải pháp của nhiều bậc cha mẹ trong chúng tôi là làm cho con cái của họ trở thành bác sĩ, luật sư, kỹ sư, v.v. Tất cả các nghề nghiệp đáng kính và cần thiết. Nhưng, như Maxine Hong Kingston đã viết, chúng ta cần nhiều hơn mức cần thiết. Chúng ta cũng cần những điều hoa mỹ. Chúng ra cần những người kể chuyện.
Khi tôi cố gắng trở thành một người kể chuyện và tìm ra tiếng nói của mình, tôi lo lắng về việc liệu tôi có làm hài lòng mọi người hay không. Viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi, “The Refugees” (tạm dịch Những người tị nạn), tôi lo lắng về việc liệu các biên tập viên, đại diện, nhà phê bình và độc giả có thích cuốn sách hay không. Còn bố mẹ tôi thì sao? Còn người Việt Nam thì sao? Tiếng nói của tôi nằm trong cuốn sách đó, nhưng nó có phần bị lắng xuống, vì nỗi sợ.
Với cuốn sách tiếp theo của tôi, “The Sympathizer”, một cuốn tiểu thuyết về cuộc chiến ở Việt Nam, nơi người Việt Nam là trung tâm của câu chuyện của chính chúng tôi, tôi đã không còn lo lắng về những gì người khác nghĩ về tôi. Tôi đã viết “The Sympathizer” trước hết cho tôi. Tôi không quan tâm mọi người có thích những gì tôi nói hay không. Và bằng cách không quan tâm đến những gì người khác nghĩ – tôi đã tìm thấy tiếng nói đích thực của mình.
Nhưng tôi đã thấy một vấn đề. Bài đánh giá lớn đầu tiên về cuốn tiểu thuyết cho rằng tôi là tiếng nói cất lên cho những người không có tiếng nói. Và tôi nghĩ – không! Bạn đã từng gặp người Việt Nam nào chưa? Bạn đã đến một nhà hàng Việt Nam? Đã đến thăm một ngôi nhà Việt Nam? Chúng tôi thực sự rất, rất ồn ào.
Như Arundhati Roy đã nói, “Thực sự không có cái gọi là ‘không tiếng nói’. Chỉ có những người cố tình im lặng hoặc không được lắng nghe.”
Điều tôi muốn cho mỗi người trong số các bạn là đạt đến thời điểm xác nhận tuyệt đối rằng bạn khám phá ra điều bạn thực sự tin tưởng, và khi bạn tìm thấy ý chí để khẳng định điều đó. Nhưng điều tôi cũng mong là khi bạn tìm thấy tiếng nói của chính mình, bạn đừng cố gắng trở thành tiếng nói cho người không có tiếng nói. Thay vào đó, thách thức của bạn và của tôi là lắng nghe những tiếng nói chưa được lắng nghe và xóa bỏ các điều kiện của thinh lặng.
Đây là cách chúng ta thay đổi câu chuyện cá nhân cũng như câu chuyện chung của đất nước này, mở rộng nó để câu chuyện của đất nước chúng ta không loại trừ ai và bao gồm tất cả mọi người.
Vì vậy, các bậc cha mẹ đừng ngăn cản con cái tìm ra tiếng nói của mình, ngay cả khi chúng khác với bạn. Hãy để chúng trở nên hoa mỹ.
Và đối với những bậc cha mẹ có con theo khuynh hướng nghệ thuật, tôi có một lời kêu gọi đặc biệt: hãy khuyến khích tiềm năng nghệ sĩ, diễn viên, vũ công và ca sĩ trong con bạn, vì chúng mang cái đẹp đến với thế giới, và không có gì cần thiết hơn cái đẹp. Nuôi dưỡng các nhà thơ, nhà văn và người kể chuyện trong con bạn, để một ngày nào đó, chúng sẽ tìm thấy tiếng nói đích thực của mình và cuối cùng ngồi xuống để viết những cuốn hồi ký gay gắt về bạn.
Khoá 2022 hỡi, hành trình đã kết thúc, nhưng tất cả chỉ mới bắt đầu. Tôi hy vọng chúng tôi sẽ nghe thấy tiếng nói của bạn trong tương lai, và tôi hy vọng chúng tôi nghe thấy tiếng nói của bạn bây giờ. Xin chúc mừng!
Nhà văn Nguyễn Thanh Việt
Phát biểu tại Đại học Franklin and Marshall, tháng 5/2022
Bản dịch của Nguyễn Tiến Huy
Back to top button