10 Tiêu điểm
Tại sao Trung Quốc có năm con Thỏ Việt Nam lại là năm con Mèo

Các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc gọi năm nay là con thỏ, chỉ có Việt Nam khác người gọi là mèo. Vì chữ 卯 đọc là MÃO, đồng âm với MÃO 猫 là Mèo. Vì hiện tượng đồng âm gây ra sai sót nên bỗng dưng người Việt Nam lại trở nên khác biệt. Nhưng không chỉ có việc này, Việt Nam thực sự khác biệt với các nước còn lại.
Không chỉ với chữ Mão, tiếng Hán rất hay bị viết sai và hiểu sai, kể cả các bậc vua chúa. Vì Tiếng Trung Quốc có rất nhiều từ đồng âm, thật ra ngôn ngữ nào cũng có từ đồng âm nhưng tỉ lệ đồng âm của tiếng Trung Quốc quá lớn, khoảng 10%. Theo kho chữ Hán của Công ty Thiết bị Tư vấn Quốc An Bắc Kinh (được coi là đầy đủ nhất) thì có tất cả 91.251 chữ Hán. Theo Tân hoa tự điển thì tiếng Trung Quốc có khoảng 415 âm tiết, nếu tính cả 4 thanh điệu nữa thì chỉ hơn 1200 âm tiết. Ta chia số chữ hán cho 1200 thì trung bình mỗi âm có hơn 70 chữ đồng âm, một con số khổng lồ.
Hậu quả là khi nghe nói mọi người rất dễ bị nhầm, nên ta mới hay thấy mọi người phải giải thích thêm cấu tạo của chữ hay là phải nói từ a ở trong chữ xyz là vì vậy. Và đó cũng là lí do tại sao phim Trung Quốc thường phải thêm phụ đề để người xem không bị nhầm. Những người gõ bàn phím chữ Hán trên máy tính sẽ hiểu việc sau khi gõ chữ latin xong, trên màn hình sẽ hiện ra mấy chục, có khi cả trăm chữ cùng âm, phải dò để chọn từ theo ý mình.
Không những thế, chữ Hán còn có nhiều trường hợp đa âm đa nghĩa, tức một chữ viết lại có nhiều hơn 1 cách đọc, khiến người ta phải tẩu hoả nhập ma không biết thế nào mới đúng. Ví dụ như chữ 和 có đến năm âm [hé], [hè], [huó], [huò], [hú]. Đó là do chữ Hán tạo ra không đủ dùng nên phải gán âm mới cho một chữ đã có.
Ưu điểm duy nhất của chữ Hán có lẽ là do tính biểu ý nên khi sứ thần ở các nước khác nhau tuy không hiểu ngôn ngữ của nhau nhưng có thể bút đàm bằng cách viết chữ ra giấy, mọi người nhìn vào đều có thể hiểu cùng nhau được. Nhưng nhược điểm thì quá nhiều nên Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam đều phải tìm cách tạo ra chữ viết riêng. Lãnh đạo TQ cũng biết điều này, Mao Trạch Đông cũng nhận xét chữ phồn thể là rào cản do giai cấp lãnh đạo phong kiến tạo ra để ngăn cản người dân tiếp cận tri thức. Tuy nhiên sau 100 năm với nhiều dự án để La tinh hoá chữ Trung Quốc của Chính phủ thì đều thất bại. Đến cuối những năm 1980 thì không ai nhắc đến mục tiêu tạo ra chữ viết biểu âm để thay thế chữ phồn thể nữa.
Nguyên nhân do chữ biểu âm của Latin không phù hợp với ngôn ngữ Trung Quốc với quá nhiều từ đồng âm và đa âm đa nghĩa là hậu quả của việc dùng chữ biểu ý quá lâu. 415 âm tiết của Trung Quốc so với tiếng Việt thì là 17.974 theo một nghiên cứu độc lập https://www.hieuthi.com/blog/2017/03/21/all-vietnamese-syllables.html
Sự khác biệt giữa số lượng âm tiết của hai ngôn ngữ là vô cùng lớn, nếu so tiếp với Nhật Bản thì tiếng Nhật chỉ có 100 âm tiết. Tuy nhiên tiếng Nhật là ngôn ngữ đa âm (không phải đơn âm như tiếng TQ và tiếng Việt) nên lại có thể phát triển ra hệ chữ biểu âm Kana riêng của mình. http://afe.easia.columbia.edu/japan/japanworkbook/language/lsp.htm
Các giáo sĩ Bồ Đào Nha trước khi đến Việt Nam thì đã đi qua Trung Quốc và Nhật Bản, tuy nhiên chỉ đến Việt Nam thì mới thành công trong việc tạo ra chữ viết cho một ngôn ngữ Châu Á. Hiện nay học sinh Trung Quốc phải học rất là vất vả để có thể đọc được vài trăm chữ, thì 1 học sinh Việt Nam sau vài tháng đã có thể đọc viết thành thạo, thậm chí có thể đọc được các thư tịch cổ Trung Quốc đã được dịch sang tiếng Việt, điều mà nhiều người Trung Quốc cũng khá vất để làm.
Ngôn ngữ là một trong những đặc trưng tiêu biểu nhất của 1 nền văn minh và dân tộc. Trong thời đại hiện nay, rất nhiều ngôn ngữ đang bị chết. Theo ước tính, đến cuối thế kỷ này sẽ có khoảng 1500 ngôn ngữ sẽ biến mất https://www.nature.com/articles/s41559-021-01604-y
Việt Nam tuy chịu sự chiếm đóng của ngoại bang trong 10 thế kỷ nhưng vẫn giữ được ngôn ngữ, việc mà có lẽ trên thế giới chỉ có thêm người Do Thái làm được điều tương tự. Đây là một trong những minh chứng cho sức mạnh của văn hoá người Việt. Có nhiều người vẫn cho rằng văn hoá Việt Nam tương đồng và giống như một tập con của Trung Quốc. Cách suy nghĩ này không phải là chính xác. Mặc dù nền văn minh của Trung Quốc là vĩ đại, nhưng đó là tổng hợp từ nhiều dân tộc khác nhau. Khái nhiệm về nước Trung Quốc hiện tại vốn trải qua nhiều giai đoạn sát nhập từ nhiều quốc gia và dân tộc khác nhau, vì thế các phong tục, văn hoá mới có được sự đa dạng và phong phú. Thậm chí có thể có nhiều văn hoá được du nhập từ người Việt cổ không biết chừng. Nhiều người lấy lí do từ ngữ tiếng Việt du nhập nhiều từ Hán để chứng minh tiếng Việt giống tiếng Tàu, nhưng đó chỉ là sự giao thoa ngôn ngữ bình thường. Tiếng Anh đang thịnh hành nhất thế giới hiện nay có gốc từ tiếng Đức.
Tiếng Trung Quốc hiện đại vốn có đến 70% là gốc tiếng Nhật. Người Nhật khi tiếp thu kiến thức phương Tây đã sáng tạo ra rất nhiều thuật ngữ và từ vựng mới trong các lĩnh vực kỹ thuật và xã hội như điện thoại, khoa học, triết học, kinh tế, chính phủ, nhân dân, tự do,… Tất cả các từ này được người Trung Quốc du nhập và sử dụng. Có ý kiến cho rằng nếu Nhật thắng Trung Quốc thì người TQ sẽ biến thành người Nhật. Tại Đài Loan rất nhiều người Đài Loan nói được tiếng Nhật, thậm chí chỉ biết tiếng Nhật chứ không biết tiếng Trung quốc do đảo này thuộc Nhật ở nửa đầu thế kỷ 20. Thế mới thấy sức ảnh hưởng của văn hoá qua ngôn ngữ.
Trong các nước dùng chữ Hán thì chỉ có duy nhất Việt Nam là thoát Hán về ngôn ngữ. Hàn quốc có chữ Hangul nhưng do nghèo âm tiết nên thỉnh thoảng vẫn phải chú thích bằng chữ Hán cho rõ nghĩa. Người Nhật có chữ Kana nhưng vẫn có hơn 2000 chữ Hán
Dân tộc Việt Nam khác hẳn các dân tộc ở Trung Quốc và dân Bách Việt về gen, văn hoá và đặc biệt nhất là ngôn ngữ. Tiếng Việt thuộc hệ Mon- khmer, không phải hệ Hán-Tạng. Sự khác biệt rõ ràng nhất là giữa lượng âm tiết và ngôn ngữ ở trên cho thấy tiếng Việt với tiếng Trung Quốc vốn không liên quan gì với nhau. Thậm chí ngôn ngữ Việt còn có nhiều sự ưu việt hơn, đấy là lí do người Việt Nam học tiếng Châu Âu nhanh hơn người Trung Quốc, mà học tiếng Trung Quốc thì lại nhanh hơn người Châu Âu. Một ngôn ngữ mạnh thì có thể là nền tảng để xây dựng 1 văn hoá mạnh. Đây có lẽ là 1 trong những điều mà người Việt có thể tự hào trong dịp đầu năm mới.