10 Tiêu điểm
Cách đi tay như múa trên đàn Piano cho newbie
Bắt gặp được chủ đề thú vị nên mình muốn viết 1 chút.😊
“Làm sao để tay đàn được uyển chuyển, mềm mại?”.
Có 3 yếu tố sẽ giúp bạn:
1 – Sự thả lỏng.
– Thả lỏng cơ thể: Ngồi trên ghế thoải mái như ta đang ngồi chơi, lưng thẳng tương đối theo cơ địa của mình (không còng lưng, không ưỡn ngực), tay buông thõng xuống. Hít thở và cảm nhận từng bộ phận trên cơ thể mình đang trong trạng thái như thế nào. Vai mình có đang đưa lên cao không, nếu có hãy hạ nó xuống. Cánh tay mình có đang kẹp sát vào người không, nếu có hãy nới lỏng nó ra. Chân của bạn có đang gồng lên không, nếu có hãy đung đưa nhẹ chân để cảm nhận sự thư giãn, dễ chịu. Chúng ta cũng sẽ đung đưa nhẹ cánh tay, lắc nhẹ cổ tay, nhúc nhích những ngón tay… Vừa thực hiện những hoạt động này vừa cảm nhận hơi thở vào – ra. Mỉm cười nhẹ và làm mềm cơ mặt. Hãy tận hưởng từng hơi thở trong trạng thái thư giãn, dễ chịu này! Như vậy bạn đã có 1 cơ thể hoàn toàn thả lỏng. Khi đặt tay lên đàn, bạn cũng hãy giữ trạng thái này!
– Thả lỏng tâm lý: Cảm nhận trạng thái đang có của mình, ví dụ sự lo lắng, buồn phiền, căng thẳng… Nếu có bất cứ trạng thái nào, hãy giải quyết nó bằng cách:
+ Dùng lý trí nhắc nhở bạn rằng: phút giây này bạn đang ngồi bên cây đàn, bạn dành giây phút này để tập đàn, vì thế những lo toan, công việc khác hãy gác lại để sau.
+ Sau đó cảm nhận sâu từng hơi thở vào – ra của mình 1 lúc, cho đến khi tâm trí bạn được dịu lại và hoàn toàn trống rỗng (không có vướng bận điều gì, không cảm xúc tiêu cực). Đây sẽ là lúc bạn tiếp nhận được sự tập luyện trong trạng thái tốt nhất.
+ Không sợ đánh sai trong khi tập luyện! Hãy coi đánh sai là chuyện đương nhiên. Nếu sai ở đâu ta nhận biết nó và điều chỉnh cho lần đánh tiếp theo. Lần 1 chưa làm được thì lần 2, lần 3… Quan trọng là bạn phải quan sát xem vấn đề nằm ở đâu. Muốn quan sát được kỹ thì phải bình tĩnh.
2 – Kỹ thuật.
Muốn có những ngón tay linh hoạt, điêu luyện thì việc luyện tập kỹ thuật là điều không thể thiếu! Bạn luyện tập càng nhiều thì những ngón tay sẽ càng vâng lời bạn! Nếu luyện tập rồi vẫn thấy tay cứng thì đó là dấu hiệu nhắc bạn phải tập nhiều nữa lên!☺
Bạn có 2 cách để lựa chọn:
+ Luyện kỹ thuật bằng gam, hanon, etude. Đây là cách tốt nhất, bởi trong khi đánh bạn chỉ cần tập trung chủ yếu vào kỹ thuật, điều này sẽ khiến bạn nhanh khắc phục được các vấn đề về kỹ thuật, độ linh hoạt. Đương nhiên bên cạnh đó thì bạn cũng cần chú ý lắng nghe âm thanh tiếng đàn xem nó đã đẹp chưa. Nếu còn thô thì bạn phải điều chỉnh lại cách đánh. Dù là đánh gam thì âm thanh phát ra vẫn phải đẹp, tròn trịa, giai điệu phải có điểm đón đầu – cuối, có điểm đỉnh… Etude thì vẫn phải chú ý sắc thái, biểu cảm chi tiết.
+ Luyện kỹ thuật ngay trong các tác phẩm: Đây cũng không hẳn là sự lựa chọn tồi, bởi nó đem lại nhiều hứng thú với người chơi. Tuy nhiên cách này thường dành cho những người đã có kỹ thuật cơ bản trở lên, hoặc cho 1 số trường hợp mà không tiếp nhận tích cực với việc tập luyện gam, hanon, etude. Với cách này, trong khi tập luyện tác phẩm, bạn sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề hơn – vừa phải tập luyện kỹ thuật, vừa phải xử lý rất nhiều chi tiết về câu cú, sắc thái, biểu cảm… Nên bên cạnh sự hứng thú được khám phá những giai điệu bạn thích thì nó cũng rất dễ khiến bạn nản vì có quá nhiều thứ phải hoàn thiện.
Vậy nên bạn hãy thật thông minh để lựa chọn cho mình cách tập luyện kỹ thuật hiệu quả nhất nhé!
Thêm 1 lưu ý nữa trong phần này: Dù là tập luyện kỹ thuật gì thì bạn đều phải có cảm nhận thật rõ nơi đầu ngón tay tiếp xúc với phím đàn. Từng ngón tay sẽ chuyển động độc lập không phụ thuộc vào nhau. Và ngón nào chạm xuống phím đàn bạn đều phải cảm nhận được thật rõ ngón ấy. Thông thường người chơi hay chú ý vào 1 vài ngón khỏe và ngó lơ những ngón yếu, để chúng phụ thuộc vào chuyển động của những ngón khỏe. Điều này rất dễ dẫn đến tình trạng nốt bị líu díu, mờ nốt. Nên chúng ta hãy quan tâm công bằng hết từng đầu ngón tay nhé!😊
Lưu ý nữa là cổ tay thả lỏng, không lúc lắc nhưng phải linh hoạt di chuyển theo chuyển động của ngón tay, nhất là với những quãng xa. Nếu không nó sẽ như 1 sợi dây trói những ngón tay của ta lại đó!
3 – Tư duy âm nhạc.
Có rất nhiều người có được sự thả lỏng cùng kỹ thuật tốt, cũng đã đủ để tay họ múa ảo diệu trên phím đàn rồi. Nhưng sự múa may này sẽ trở thành công nghiệp, phô diễn, màu mè và bắt chước khi nó không xuất phát từ tư duy âm nhạc.
Vậy tư duy âm nhạc là gì? Đó là cách bạn cảm nhận âm nhạc. Bạn nghe/chơi 1 giai điệu, bạn biết đâu là điểm bắt đầu, đâu là điểm kết thúc của 1 ý nhạc, bạn cảm nhận được niềm vui hay nỗi buồn trong đó, bạn cảm nhận được từng ý tứ, chi tiết nhỏ hay không… Mỗi người sẽ có 1 tư duy âm nhạc khác nhau, dẫn đến cách xử lý tác phẩm khác nhau.
Vậy tư duy âm nhạc có liên quan gì đến sự uyển chuyển, mềm mại của tay?
Ví dụ: 1 người không có tư duy âm nhạc sẽ đánh nốt đầu tiên của 1 câu nhạc bằng cách nhấn thẳng ngón tay từ trên xuống mà không có sự chuẩn bị ở cả tâm thế lẫn cơ thể. Ngón tay khi đó sẽ không có sự kết hợp cùng các bộ phận khác trên cơ thể như cổ tay, cánh tay, vai… Vì thế hình ảnh mà ta nhìn thấy sẽ là những ngón tay chuyển động cứng quèo. Âm thanh vang lên cũng thẳng đơ, khô khốc.
Còn với người có tư duy âm nhạc, chơi bất cứ nốt nào họ cũng đều có ý thức và sự chuẩn bị. Nhấc ngón tay lên, nhấn ngón tay xuống ra sao, kết hợp cùng độ miết cổ tay, chuyển động của cánh tay, dồn lực từ vai… Sự mềm mại, uyển chuyển từ đó mà ra!
Vậy là ta đã hình dung được sự tác động của tư duy âm nhạc lên chuyển động của những ngón tay là rất lớn rồi phải không?😊
Và đọc đến đây rồi, thì mình nghĩ điều chúng ta cần quan tâm không còn là “sự uyển chuyển, mềm mại của những ngón tay” nữa, mà phải là “làm sao để có được tiếng đàn mềm mại, uyển chuyển”! Hãy trau dồi nhiều hơn về tư duy âm nhạc! Bởi, những ngón tay cũng chỉ là phương tiện, tiếng đàn mới là cái đích cuối cùng ta muốn đến.😊