ĐẦU TƯ GAME FI NỮA KHÔNG?
Sau cú downtrend thì các dự án ở Việt Nam cũng trở về mặt đất. Không còn x20-30 hay x100 nữa. Nhiều dự án đi vào lòng đất, còn các dự án mới ra khi IDO cũng chết sặc vì cái gọi là refund. Nhiều dự án refund hơn 80%, thế là tèo.
Hơn 600 dự án như mình nói lúc trước, số làm thật và ra được game đếm trên đầu 2 bàn tay. Và giờ đây tất cả cũng lộ rõ, đa phần các dự án đã bỏ hết, nhiều bên ôm tiền đầu tư chia nhau. Nhiều quỹ đầu tư làm quyết liệt để thu lại một phần tiền, nhưng nhiều quỹ cũng chặc lưỡi, thôi bỏ vì khó mà theo được một cuộc chiến pháp lý dài hơi, khi mà chưa có quy định pháp luật hay một án điểm.
Vậy bây giờ đầu tư Game Fi được nữa không, câu trả lời là tuỳ lựa chọn của mỗi người. Nhưng như mình nói game vẫn là một thể loại giải trí và nó không bao giờ chết cả. Nhưng đầu tư thế nào là một vấn đề.
Để đầu tư vào một con game blockchain thì cần hiểu bản chất về game cái đã. Đa phần trước đây các nhà đầu tư chủ yếu là đầu tư vào yếu tố Fi, nghĩa là tài chính. Ngay khi tiền đầu tư x20-30 lần ngay lập tức rút vốn, sau đó lại đi đầu tư vào dự án khác. Kết quả downtrend mất cũng rất nhiều. Một số ít là dân tài chính họ biết dừng lại và thực tế có lời kha khá.
Vậy nên hiểu đầu tư Game Fi là thế nào?
Thật ra Game Fi hay Game truyền thống bản chất nó cũng chỉ là game mà thôi, chỉ khác nhau ở chỗ Game Fi là ứng dụng Blockchain nên có thêm yếu tố tài chính.
Chẳng hạn với game truyền thống trước đây nhà phát hành bỏ tiền ra mua bản quyền (hoặc bỏ tiền đầu tư sản xuất – Việt Nam rất ít nếu nói về game lớn), sau đó về phát hành trong nước. Họ bán vật phẩm bằng đơn vị tiền trong game như xu hay Kim Nguyên Bảo, người chơi bỏ tiền ra mua và sau đó đem lại doanh thu là tiền thật về túi nhà phát hành.
Còn Game Fi khác chỗ nào, đó là yếu tố tài chính. Thay vì mua bản quyền thì các studio đi gọi vốn để sản xuất game. Các hình thức gọi vốn này chia ra các vòng như seed, private và IDO (mở bán qua sàn), nghĩa là tất cả cùng đầu tư để làm một con game hoàn chỉnh và những nhà đầu tư sẽ được nhận đơn vị tiền đầu tư là Token của game. Tuy nhiên, mô hình Game Fi hơi phức tạp đó là yếu tố tài chính. Khi list trên sàn thì nó xảy ra trường hợp, các nhà đầu tư được trả token thấy giá cao thì đem bán hết đi, khiến cho nó xảy ra tình trạng gọi là “xả” và không chờ cho con game ra đời. Kết quả nhiều studio sản xuất game vừa làm vừa phải cân bằng tài chính từ các nhà đầu tư, nên nhiều dự án đã trôi theo dòng nước.
Tại sao Axie Infinity, Thetan Arena, Bomcrypto thành công, đơn giản là con game họ làm xong rồi và mấu chốt là họ biết cách vận hành một con game trên thị trường.
Một yếu tố để con Game Fi thành công đó chính là vận hành, làm game đẹp, gọi nhiều vốn nhưng vận hành sai là xem như phá sản. Trừ các con game trên hầu như các con game khác ra đời đều sai lầm ở khâu này, dẫn đến lạm phát và phá sản luôn.
Để vận hành một con game không đơn giản, ngay cả ở game truyền thống cũng vậy thôi. Có những con game mua bản quyền cả triệu USD nhưng về Việt Nam phát hành vẫn fail. Làm phát hành game 10 con ăn 1-2 game là thành công.
Vận hành con Game Fi cũng vậy, nó có rất nhiều yếu tố, từ server, marketing và có thêm yếu tố quan trọng là tài chính. Nếu ở game truyền thống bán vật phẩm tiền thu được là của nhà phát hành, ở Game Fi không phải vậy. Vật phẩm trong Game Fi là các NFT, người chơi bỏ tiền mua nó cần hiểu là họ đang đầu tư để chơi game kiếm tiền, do đó nhà phát hành cần phải đảm bảo làm sao cho họ về được bờ với số vốn bỏ ra ban đầu. Cũng như việc phải làm sao lấy doanh thu để đưa trở lại LP (thanh khoản), để những nhà đầu tư vòng seed, PS hay IDO, mua NFT có thể thu được lại số vốn đã bỏ ra. Đó mới gọi là phát hành một con game NFT. Nhiều người sẽ hỏi, thế tiền thu được ở đâu để mà trả, đây chính là bài toán vận hành mà những người làm Game Fi phải trả lời.
Tại sao mô hình Play to Earn không còn hợp thời, bởi nó là mô hình người trước trả cho người sau, khi mà không còn người sau chơi nữa thì xem như phá sản. Chính vì thể mô hình free to play hay play and earn ra đời là vậy. Lúc này nhà sản xuất và phát hành game phải tạo ra mô hình kinh tế mà doanh thu không chỉ có mỗi từ bán NFT, thay vào đó phải kết hợp cả yếu tố truyền thống để kiếm doanh thu từ các nguồn khác như in-app chẳng hạn. Và như nói ở trên, doanh thu từ các nguồn phải được chia ra để vừa trả tiền vận hành và vừa trả tiền cho các nhà đầu tư đã bỏ tiền vào ban đầu.
Chính vì vậy muốn đầu tư Game Fi bây giờ yếu tố quan trọng nhất cần xác định là đội ngũ làm con game đó, tốt nhất là kiếm con game đã gần hoàn thiện hoặc đã có sản phẩm thật sự. Bên cạnh đó xem đội ngũ đã có kinh nghiệm vận hành game hay chưa. Và nên nhớ rằng không có x10 hay 20-30 nữa đâu, hiếm lắm mới có 1 con được vậy, nhưng một số con có thể có x3-x5, tất nhiên cũng sẽ có con thất bại.
Như đã nói ở trên, game không bao giờ chết, nhưng để có con game thành công cũng không dễ, kể cả game truyền thống lẫn Game Fi.