Giáo dụcTop 10 sản phẩm giáo dục
Bế tắc phương pháp tuyển sinh Đại Học – nhiều năm chưa có lời giải dù trường tư – quốc tế ngày càng nhiều

THI TUYỂN VÀO ĐẠI HỌC VIỆT NAM: GIẢI PHÁP CHO TƯƠNG LAI LÀ GÌ?
Nghe thông tin dồn dập việc nhiều thí sinh đạt điểm thi rất cao, thậm chí gần điểm tối đa, mà vẫn trượt đại học với hàng chục nguyện vọng, tôi cảm thấy thật đau xót. Đau xót cho các em đang ngơ ngác với mơ ước bước vào thế giới của tri thức để có một tương lai tốt đẹp, cho các gia đình đang ấp ủ bao hy vọng vào các em, cho cả xã hội đang bối cho tương lai của thế hệ trẻ, và vô hình trung là tương lai của chính mình.
Nhiều người quan tâm đến vấn đề này đã nêu ý kiến, bao gồm cả một số đề xuất giải pháp. Vì chưa thấy ý kiến nào khả thi, tôi đề xuất giải pháp này, mới đối với Việt Nam, nhưng không có gì xa lạ với nhiều người và với tôi, người có các con đều học đại học ở Mỹ với học bổng, và cũng đã góp ý thành công cho rất nhiều con cái bạn bè du học Mỹ, trong đó có những cháu nếu ở Việt Nam, có thể đã không thi đỗ vào đại học, bao gồm cả con tôi.
Mục tiêu tuyển chọn của các trường đại học là có được những ứng viên tốt nhất, xứng đáng nhất, được vào trường, và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Nhưng như thế nào là tốt nhất, xứng đáng nhất thì câu trả lời của Việt Nam lại khác với các nước phát triển. Hiện tại, phương pháp tuyển chọn duy nhất của tất cả các trường đại học Việt Nam là thông qua kết quả bài thi. Sự bế tắc của phương pháp này là ở chỗ, bài thi không thể là công cụ hữu hiệu để tuyển chọn: Nếu dễ, các thí sinh đều làm được bài và như vậy khó lòng lựa chọn theo nguyên tắc từ trên xuống. Nếu khó hơn hay rất khó, phần lớn thí sinh cũng dừng bước ở một ngưỡng nào đó, và là việc lựa chọn theo nguyên tắc từ trên xuống cũng vô hiệu… Thảo luận về giải pháp bài thì có lẽ sẽ còn kéo dài bất tận, tôi sẽ không tham gia bàn nữa, vì giải pháp khác có thể bổ sung, hay thậm chí thay thế phương pháp tuyển chọn theo bài thi, sẽ giúp giải quyết hoàn toàn bế tắc này.
Tôi chỉ hiểu biết rõ phương pháp tuyển chọn vào đại học của các trường ở Mỹ, nên đưa ra đề xuất áp dụng phương pháp của nước này. Có thể nhiều nước phát triển khác cũng có phương pháp hiệu quả mà tôi không có điều kiện bàn được ở đây.
Ở Mỹ, hàng ngàn trường đại học, cao đẳng, với tất cả các ngành khác nhau (từ lịch sử, văn học… tới vật lý, toán học…) đều tuyển chọn sinh viên thông qua kết hợp 3-4 yếu tố:
1. Bài thi toàn quốc duy nhất là SAT – Scholastic Aptitute Test, có nghĩa là Bài kiểm tra năng lực học tập. Đây cũng là bài thi cho ứng viên toàn thế giới vì tất cả các trường đại học Mỹ đều tiếp nhận sinh viên nước ngoài. SAT được soạn thảo mới mỗi năm một lần.
2. Kết quả học tập tại trường phổ thông, gồm GPA – Grade Point Average, là điểm trung bình.
3. Bài Essay, là bài luận cá nhân, thường ứng viên sẽ viết về 3-5 chủ đề theo yêu cầu của trường.
4. Phỏng vấn thí sinh, thường là qua điện thoại (và nay là online), hoặc qua các cộng tác viên là các cựu học viên của trường.
Với phương pháp tiếp cận này, các trường đại học Mỹ lựa chọn ứng viên với việc xét duyệt con người rất toàn diện, chứ không chỉ như chọn những cỗ máy biết làm bài, và yếu tố may rủi, nỗi ám ảnh của thí sinh thi vào đại học Việt Nam, hầu như không có chỗ để tồn tại.
Không phải chỉ các trường đại học, các chương trình học bổng khác của Mỹ đều đề cao yếu tố phẩm chất, tính cách, chứ không chỉ năng lực học tập.
Để thực hiện các công việc trên, nhà trường, ứng viên và toàn xã hội cùng phải bỏ rất nhiều công sức và thời gian, nhưng đó là những phí tổn có ý nghĩa. Nó rất đáng bỏ ra để quyết định một bước ngoặt quan trọng của mỗi cá nhân trong cuộc sống, với tư cách là một người thụ hưởng, đồng thời cũng là một đối tượng cống hiến tiềm năng cho xã hội. Nếu tuyển chọn mà chỉ căn cứ vào kết quả bài thi, nước nhà có nguy cơ nhận được kết quả không phải là những công dân tốt, mà là những động vật thị trường (tiếng Việt hơi nặng, nhưng tiếng Anh là “market animal”, rất bình thường).
Tóm lại, tôi đề xuất giảm đến mức thấp nhất gánh nặng thi đại học cho toàn xã hội, kết hợp các hình thức phi thi cử như giới thiệu ở trên. Trong tương lai, Việt Nam có thể dần loại bỏ kỳ thi đại học, thay vào bằng một bài Kiểm tra năng lực học tập, tương tự như SAT, mà mục đích chỉ là loại ra những ứng viên thiếu khả năng học hành, chứ không phải để chọn ra những ứng viên xuất sắc.
Là người được thụ hưởng học hành một cách đấy may mắn suốt cuộc đời của mình, tôi mong sao đóng góp ý kiến để Việt Nam là xứ sở của công bằng về giáo dục cho mọi người. Status này là một đóng góp nhỏ của tôi theo mục tiêu đó. Tôi có một khẩu hiệu về giáo dục nhân một lần khởi nghiệp (đúng ra là tiếp nhận lại) một trung tâm đào tạo tiếng Anh và du học Mỹ có tên gọi là NewStar:
EDUCATION IS PARAMOUNT! – GIÁO DỤC LÀ TRÊN HẾT!
PS: Bài góp ý có thể thiếu sót do tôi không nắm chi tiết tình hình các trường đại học Việt Nam, và cũng không phải là người hiểu biết thấu đáo về thi tuyển các trường đại học Mỹ. Mong các bạn quan tâm góp ý, bổ sung, để nội dung hoàn chỉnh có thể tới được mọi người.